Nội thất giá rẻ bày bán tràn lan khiến người tiêu dùng nhầm lẫn
-
Người viết: Phát Nội thất Tiến
/
VOV.VN - Trong một thời gian dài, thị trường bàn ghế Việt Nam bị lấn át bởi sản phẩm nhập khẩu Trung Quốc có giá rẻ, mẫu mã đa dạng. Điều này gây ảnh hưởng ra sao tới người tiêu dùng và doanh nghiệp (DN) sản xuất trong nước?
Ảnh hưởng tới người tiêu dùng, DN trong nước
Nhiều năm nay, một số tuyến phố bán đồ gỗ nội thất ở Hà Nội như Đê La Thành, Nguyễn Trãi, Cầu Diễn, hay tại TP.HCM như Trường Chinh, Ngô Gia Tự, Bạch Đằng,…đa phần đều bán hàng nhập khẩu Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia. Tuy nhiên, theo khảo sát, phần lớn đều là hàng Trung Quốc với đa dạng kiểu dáng, mẫu mã từ kệ tivi, bộ bàn ăn, bàn ghế gia đình, bàn làm việc, ghế sofa, ghế văn phòng,…
Nhân viên tại các cửa hàng nội thất này cho biết, nhiều DN Việt Nam có sản phẩm chất lượng cao, tuy nhiên thường không đa dạng mẫu mã, hình thức cũng không bắt mắt bằng sản phẩm nhập khẩu, trong khi đó mức giá còn đắt hơn.
Ngược lại, sản phẩm nhập khẩu Trung Quốc có giá thành rẻ, mẫu mã đa dạng hơn nên thường được người tiêu dùng ưu ái lựa chọn. Theo các chủ các cửa hàng, bàn ghế giá rẻ nhập khẩu Trung Quốc thường xuống cấp chỉ trong 1-2 năm đầu sử dụng, khiến người tiêu dùng phải thường xuyên bảo hành, sửa chữa. Vì vậy khách hàng cần cân nhắc kỹ lưỡng ưu tiên của mình trước khi mua đồ nội thất.
Không những vậy, bàn ghế nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc nhiều năm qua đã phá mặt bằng giá của thị trường đồ nội thất phổ thông trong nước vì có giá quá thấp. DN Việt Nam sản xuất nhóm mặt hàng này khó cạnh tranh ngay tại “sân nhà” dù có chất lượng cao hơn.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Huy - đại diện đại lý phân phối sản phẩm nội thất trong nước cho biết: “Tình trạng nhập khẩu sản phẩm giá rẻ tràn lan với chất lượng không đảm bảo đã làm ảnh hưởng tới ngành sản xuất đồ nội thất, vốn đang gặp nhiều khó khăn do tình hình kinh tế nói chung”.
Anh Lê Văn Tiến – đại diện một đại lý phân phối sản phẩm nội thất chính hãng cho biết: “Trước đây gia đình tôi có 3 cửa hàng chuyên bán và phân phối sản phẩm bàn ghế chính hãng Việt Nam như Hòa Phát, Xuân Hòa,… nhưng 2 năm trở lại đây, gia đình tôi phải thu hẹp quy mô chỉ còn 1 cửa hàng”.
Lý giải thực tế đáng buồn này, anh Tiến cho rằng một phần là do thị trường sau đại dịch ảm đạm hơn, một phần là do các cửa hàng bán bàn ghế nhập khẩu giá rẻ tràn lan, dán nhãn mác như hàng Việt khiến khách hàng không thể phân biệt được.
Liệu có dễ lấy lại ưu thế trên "sân nhà"?
Nắm bắt thực trạng và nhanh chóng đưa ra giải pháp tháo gỡ, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 235/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với 1 số sản phẩm bàn ghế từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) vào tháng 2 năm nay. Tuy nhiên, sau 6 tháng thực thi, thị trường bàn, ghế nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn sôi động, với hàng ngàn sản phẩm được bày bán tràn lan tại cửa hàng và trên mạng internet với giá bán hầu như không thay đổi.
Liên quan đến việc này, một số tiểu thương buôn bán đồ gỗ nội thất trên đường Đê La Thành cho rằng, việc áp thuế sẽ giúp hàng hóa sản xuất trong nước cạnh tranh hơn. Nhưng những nhà nhập khẩu nhóm sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc cũng sẽ có cách để “lách luật” thông qua con đường tiểu ngạch vốn không quá khó khăn mà thương nhân hai nước lâu nay đã giao thương ở nhiều mặt hàng.
Dù có những giải pháp hỗ trợ kịp thời, DN sản xuất nội thất trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn.
Sức cạnh tranh từ các sản phẩm nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc ngày càng lớn, điều này khiến áp lực về việc gia tăng chi phí, nhưng cũng là động lực để các DN trong nước phải liên tục cải tiến, đổi mới phương thức sản xuất, nhằm nâng cao năng suất lao động, sử dụng nguồn lực hiệu quả để giảm giá thành sản phẩm. Từ đó nâng cao sức cạnh tranh với hàng nhập khẩu, đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng về mẫu mã, chất lượng
Hy vọng trong thời gian tới, với sự góp sức của các cơ quan ban ngành, Quyết định sẽ ngày càng được thực thi mạnh mẽ, giảm bớt khó khăn cho DN trong nước, đồng thời hỗ trợ DN an tâm sản xuất, giúp ích cho người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm chất lượng cao với giá thành hợp lý.